Thứ năm ngày 23 tháng 6 là thứ năm Tuần 12 mùa Thường
Niên, bài đọc 1, Hội Thánh cho chúng ta nghe đoạn Sách Thánh trên. Đây là câu
chuyện buồn của dân tộc Israel. Đọc lịch sử Israel chúng ta thấy lịch sử đó
được nối tiếp bằng những biến động xô đẩy một dân tộc mang ơn gọi là dân riêng
của Thiên Chúa, nhưng sự yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ từng lúc được
thanh luyện vì sự bất xứng và phản bội của họ, sự trung thành với Thiên Chúa
từng lúc được uốn nắn sau những bất trung rồi đi kèm với sự thanh luyện. Cuối
cùng thì Thiên Chúa vẫn không bỏ lời hứa, cuối cùng thì sau bao nhiêu biến cố
lao đao trong lịch sử, những cuộc lưu đày liên tiếp xảy ra Thiên Chúa vẫn xuất
hiện để ra tay cứu vớt họ.
Trên bàn cờ chính trị và kinh tế của thế giới hiện nay,
người ta truyền miệng nhau lời đồn thổi về những huyền thoại mang dòng máu Do
Thái, những nhân vật xuất chúng gây những tác động lớn làm xoay chuyển tình
thế, lèo lái sự sống của cả nhân loại… Sự thông minh, nhanh nhẹn, chí quật
cường và tinh thần quốc gia là những lợi thế rất lớn mà những người mang dòng
máu Do Thái có được, nhưng có phải vì thế mà họ là nạn nhân của các cuộc xâm
lăng, tàn sát diệt chủng? Có phải cứ có một lợi thế thiên bẩm nào đó thì dân tộc
ấy sẽ trở nên nạn nhân của các tham vọng và sự ác độc của dân tộc khác không?
Hơn 6 triệu người Do Thái lặng lẽ xếp hàng vào phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã
trong đại chiến thế giới vừa qua? Lịch sử hàng ngàn năm bị nô lệ của dân tộc
Việt có phải bởi nguyên nhân vì lợi thế biển Đông ? Những sự gằm ghè hung hăng
mong thôn tính chỉ vì chúng ta có lợi thế rừng vàng biển bạc?
Những
tuần trước, Sách Thánh đã cho ta thấy sự suy đồi dẫn đến diệt vong của vương
quốc phía Bắc (1V 17). Năm 722 trước công nguyên, Sargon, vua của Assyri đã bao
vậy Samari (thủ đô của vương quốc phía Bắc) rồi tiêu diệt hoàn toàn vương quốc
này, chính ông ta đưa người ngoại bang vào cư ngụ trên phần đất của dân tộc
Israel ( 1V 17, 24 ), gây ra một giống dân tạp chủng, là nguồn gốc chia
rẽ phân biệt kéo dài trong lịch sử Do Thái. Kính Thánh Tân Ước không thiếu
những câu chuyện người phương Nam coi thường và kỳ thị người phương Bắc.
Đoạn
Kinh Thánh hôm nay cho thấy đến lượt vương quốc phía Nam, vương quốc Giuđa cũng
bị sụp đổ. Nabukôđônôsor, vua Babel (Babylon), người ghi dấu chấm hết cho vương
quốc phía Nam này, người nhúng tay vào tội ác phá phách tan tành các nơi thánh,
cướp đi những vật dụng thờ phượng, khinh bỉ tín ngưỡng và xúc phạm thánh danh.
Nabukôđônôsor
phát lưu đày các thành phần ưu tú nhất của vương quốc Giuđa, họ là những người
trong hoàng tộc, những tướng lĩnh, những người đang có những tay nghề cao nhất
được trọng dụng thời đó. Điều mắm muối là Sách Thánh ghi lại chi tiết, hạng
cùng đinh thì không bị phát lưu đày (câu14). Hẳn khi bị đi lưu đày, những thành
phần được xem là ưu tú này vẫn chưa hết ngỡ ngàng, chắc họ vẫn nghĩ rằng họ đã
liên kết, đã thỏa hiệp, đã ngoan ngoãn vâng lời ngoại bang và chính họ đang nắm
giữ các nguồn lợi kinh tế có lợi cho ngoại bang thì họ sẽ được trọng dụng.
Không, một khi mất nước sẽ là mất tất cả, những kẻ thỏa hiệp với ngoại bang,
với sự dữ, sự ác, trong con mắt của quyền lực ngoại bang họ chỉ là hạng người
đáng khinh bỉ mà thôi, nghĩ mình sẽ được trọng dụng chỉ là ảo tưởng. Một khi
mất nước, không một ai thoát chết, lưu đày hay không lưu đày vẫn chết dưới ách
nô lệ, lên tiếng hay không lên tiếng cũng chết, làm chính trị hay không làm
chính trị cũng chết.
Mấy
ngay nay trên các trang mạng, hình ảnh các Đan Sĩ Đan Viện Thiên An Huế quỳ cầu
nguyện trước cảnh người ta xông vào hạ Thánh Giá, đập tượng thánh được loan
truyền đi khắp nơi, những tiếng kêu than, trách móc ai oán.
Những
hình ảnh Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô Hà Nội thức trắng đêm phản đối việc xây dựng
trên đất của Tu Viện chập chùng bên cạnh những hình ảnh ở Thiên An. Chúng ta
chưa quên được hình ảnh các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đứng giữa cơn
mưa đọc kinh để bảo vệ tài sản của Nhà Dòng. Trước đó nhiều hình ảnh khác phản
ánh nỗi quặn đau của những người có Đức Tin chứng kiến sự cướp bóc và xúc phạm
những nơi thánh. Từ năm 1945 ngoài miền Bắc, rồi từ sau năm 1975 tại miền Nam.
Trở
về từ vùng biển chết Vũng Áng, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt đã trả lời phỏng
vấn của trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, ngài nói:
“Tôi thấy có ít nhất có bốn cái chết: cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý,
cái chết của lý trí, cái chết của chính trị.
Lương tâm là ơn Chúa ban cho người ta để người ta phân biệt được điều gì tốt
điều gì xấu, khi làm điều tốt thì lương tâm thanh thản, an ủi còn khi làm điều
xấu lương tâm cắn rứt. Thế thì khi lương tâm chết rồi nó không còn cắn rứt nữa.
Cho nên khi làm điều xấu mà nó không còn cắn rứt nữa thì lương tâm đó chết rồi.
Luân lý là những chuẩn mực, quy luật để hành xử cho đúng
đạo lý. Khi cư xử không còn theo đạo lý nữa, không còn biết điều xấu nữa thì
luân lý đó chết rồi, nó không bị chi phối bởi những chuẩn mực đạo đức, không
còn quy tắc đạo lý nữa.
Lý trí để giúp người ta biết phân định những giá trị cao
thấp khác nhau như Đức Thánh Cha nói rằng: “thời gian lớn hơn không gian, toàn
phần lớn hơn một phần”. Bây giờ người ta chọn một phần mà quên đi toàn phần thì
cái đó là cái chết của lý trí không còn phân định được và chọn các giá trị thấp
mà bỏ các giá trị cao.
Chính trị chính là nghệ thuật tổ chức sắp xếp để cho mọi
người được hạnh phúc. Cho nên nó đã chết trong lòng con người chính
là nguyên nhân làm cho biển chết, cá chết.”
(Phỏng
vấn Đức Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt của Tin Mừng cho Người Nghèo ngày 19.6.2016).
Gia
tài của mẹ, một nước Việt buồn !
(Theo
lời bài hát “Gia Tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn)
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
23.6.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét