Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

VĂN TẾ THI HỮU BÓNG TÀ DƯƠNG

VĂN TẾ THI HỮU BÓNG TÀ DƯƠNG

(Nhân ngày Tất Khốc – 49 ngày)

 

Man mác khôn nguôi;

Bàng hoàng khôn xiết.

Dẫu biết tuổi BÓNG TÀ;

Nhưng sao anh BÙI NGHIỆP…

Lại đột ngột sinh tử phân ly;

Nỡ vội vàng âm dương cách biệt.

Hồn anh nhẹ tiêu dao;

Lòng tôi buồn da diết…

 

Nhớ linh xưa:

Đất văn chương Nam Định – Tân Mão niên, khai lòng mẹ nhập thế, lời khóc định minh;

Thành quần hội Gia Định- Canh Tý kỷ, vâng tiếng Chúa quy thiên, môi cười mãn nguyện.

Lúc nước chia, rời bỏ Thành Nam đời lưu lạc, còn ẵm ngửa đành cam phận di dân;

Ngày quốc hận, định cư sông Cửu chí làm trai, quyết tu học mong nối hàng anh kiệt.

Thời xã tắc điêu linh, đã tình nguyện bảo quốc, rèn tay súng tỏ chí nam nhi;

Thuở sơn hà khói lửa, tròn trách nhiệm vệ dân, xếp bút nghiên theo đời binh nghiệp.

 

Rõ bậc tài hoa:

Món thi họa tinh thông;

Thú cầm kỳ điêu luyện.

Bức truyền thần thả bút, người trong tranh sinh động thần hồn;

Hình phong cảnh phối màu, địa lồng thiên diễm huyền phong nguyệt.

Gậy nhạc trưởng, năm mười ngón điều khiển huyền siêu;

Khúc phối âm, ba bốn bè hòa ngân trác tuyệt.

Phú thi cười muôn sự, mỗi tiết âm bày nỗi bể dâu;

Văn tế điếu bao người, từng câu chữ khơi dòng lệ huyết.

 

Thế mà:

Gặp khi nước mất, nòng nọc đứt đuôi;

Phải cảnh nhà tan, dưa đen lộn kiếp. (*)

Sở học vứt đi;

Tài năng quăng hết.

Nhờ cuộc thi thơ đạo, duyên hữu duyên ta nên cánh chim bằng;

Bởi ý thích tầm chương, diện đối diện ta thành đôi bạn thiết.

Không mầm gốc rễ, mà số phần nhiều sự hai kẻ giống in;

Chẳng cuống dây dưa, sao sở thích lắm điều đôi đằng y hệt.

Kẻ một thuở rúc sơn lâm, thồ cây đốn củi, đà ngỡ kiếp chôn trong cảnh khốn cùng;

Người cũng thời luồn cùng cốc, đào trầm đốt than, những tưởng đời vùi giữa vòng oan nghiệt.

Anh xích lô – ba gác, từng nước mắt trào sôi;

Tôi cuốc xẻng – xà beng, cũng mồ hôi vắt kiệt.

Huynh kiếm cơm áo bằng nghiệp phó đèn;

Đệ tìm ngô cháo chính nghề thợ điện.

Trước tuổi thằng đã tóc hoa;

Chưa già đứa đà râu biếc.

Người giỏi phú, nỗi suy tư náu áng văn chương;

Kẻ ham thơ, bầu tâm sự gửi hồn hàn mặc.

Chẳng dám sánh tợ rồng hội mây;

Mà sao thể như tôm gặp tép?

Luận thi phú thỏa lòng như thể uống sương mai;

Bàn văn chương ngọt lưỡi còn hơn say rượu nếp.

Thả làn khói, bao tâm sự tràn trải bài văn;

Cạn ly cay, những nỗi niềm in sâu đáy mắt.

 

Rồi một ngày:

Bài “VĂN TẾ MỖ”, tay trao tay mắt nháy đuôi mày;  

Khúc “ai điếu mình”, anh gửi tôi môi cười nhếch mép. (1)

Phải chăng tự giễu, khi sức còn khỏe như vâm;

Rõ thật tự trào, vì đời vẫn vui hơn tết.

 

Anh bảo chẳng đùa:

Ậy … Thân ta ta hay;

Ấy…Đời mỗ mỗ biết. (*)

Dao sắc nào gọt được chuôi;

Mai này ai khóc cho Nghiệp!

Hoa tàn đời thương xót ngợi ca, rồi lúc mùa thay sắc, vẫn còn kẻ cảm ngâm;

Người đi ta ngậm ngùi văn tế, chạnh khi mỗ xuôi tay, nào có ai thương viết.

Nỗi tâm sự thấu lòng;  

Lời tỉ tê gan mật.

Và tôi thề, biền ngẫu sôi kinh;

Nếu ai trước, tri âm chấp viết. (2)

 

Ngờ đâu

Anh nhẹ gót theo mây;

Tin thắt lòng hơn sét.

Thư chúng mình trao đổi, lời còn ấm còn nồng;

Sách hai đứa định in, bài dở xem dở duyệt.

Hồn tri kỷ, thôi đã viễn xa;

Bóng tri âm, rày đây vĩnh biệt.

Khúc “tự điếu mình cũ, trước mỗi câu mỗi đoạn vui ngâm thấy dạ tưng tửng vậy thôi;

Bài “VĂN TẾ MỖ” xưa, giờ từng chữ từng lời nhẩm đọc nghe hồn quặn đau khôn xiết.

Tâm thất này tưởng ngưng;

Nửa hồn tôi như chết.

 

Hôm nay:

Âm cự giáp nhật thiên du; 

Dương hồi tròn ngày tất khốc.

Đẫm lệ lòng, châm nến lửa, một khúc nôi thương tiếc muôn vàn;

Gìn lời hứa, thắp nén hương, vần ai điếu kính dâng tha thiết.

Cõi trời mây người thỏa bước, thôi vướng bận bụi hồng;

Nơi dương thế tôi thắt lòng, mãi nhớ thương Bùi Nghiệp.

Nguyện chúc anh miên viễn phúc Thiên đàng;

Hẹn gặp nhau hợp quần duyên nghĩa thiết.

Chúc hồn anh tiêu dao;

Mà Lòng tôi đau buốt.

Kính văn;

Bái biệt .

 

CAO BỒI GIÀ (Vũ Quang Huy)

 

Ghi Chú:

(*): chữ in nghiêng là những lời trích từ bài Văn Tế Mỗ của anh Bùi Nghiệp (Bóng Tà Dương)

(1): Ngay khi còn khỏe, anh Bùi Nghiệp đã tự viết bài “văn Tế Mỗ” để điếu chính mình, rồi trao bài văn tế đó  cho Cao Bồi Già và tâm sự rằng: “Tớ đã viết văn tế cho biết bao bằng hữu, người thân, nhưng chắc khi tớ về cõi xa xăm  , thì chẳng có ai viết cho mình.

(2): Thế là Cao Bồi Già đã quyết theo học viết Phú, theo thể loại biền ngẫu từ sư phụ Bùi Nghiệp và cả hai đã hứa với nhau rằng: Ai đi sau, thì sẽ viết văn tế cho người đi trước. Hôm nay Cao Bồi Già xin giữ lời chắp bút khóc người bạn thiết  Bóng Tà Dương.