Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

THIÊN NGA THOÁT NẠN -Louis Hoài Việt_Nguyễn Vĩnh Tường


THIÊN NGA THOÁT NẠN

 

Bão gây ngỗng lạc đường bay

Thiện tâm muốn cứu, khôn hay ý người!

 

            Sửa soạn đi dự Thánh Lễ nửa đêm kỷ niệm mừng Chúa giáng sinh, Hoàng vừa trang điểm vừa cất tiếng nhè nhẹ ca: "Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời, giáng sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa."

- Hừ, thật khôi hài! Chúa mà lại chịu sinh ra làm người rồi lại nằm trong máng lừa, chuyện giả tưởng, lố lăng! Việt, chồng Hoàng cất tiếng chen vào.

- Hoàng thụng mặt, mất hứng liền nói, Thì anh cứ theo em và các con đi lễ, nghe Phúc Âm và lắng nghe Cha giảng cùng học hỏi Tin Mừng thì anh sẽ rõ lý do sao lại có chuyện huyền diệu như thế. Không hiểu rõ nguồn gốc mầu nhiệm về cứu thế thì chớ nên vội vàng phê bình một cách lộng ngôn, để khi hiểu rõ lại phải ăn năn hối hận sự mù quáng của mình . . !

Việt và Hoàng cùng làm chung trong một sở nên quen biết nhau, rồi thương yêu nhau muốn đi đến hôn nhân, nhưng vì khác biệt tôn giáo. Mẹ Việt bảo thủ, ngăn cản không cho Việt lấy Hoàng vì Hoàng muốn Việt trở lại cùng tôn giáo là Thiên Chúa Giáo để việc dạy dỗ con được dễ dàng hơn, bà bà phản đối, muốn đạo ai người ấy giữ. Vì vậy, Việt cố năn nỉ Hoàng:

- Anh còn bà mẹ già, anh đã cố gắng thuyết phục mẹ anh cho phép anh theo đạo Thiên Chúa Giáo nhưng mẹ anh đã cự tuyệt. Bà bằng lòng cho chúng ta lấy nhau với điều kiện đạo ai người đó giữ. Anh đề nghị; em xin phép Mẹ em cho anh đến trình bày hoàn cảnh và năn nỉ mẹ em, xin người tạm chấp nhận điều kiện đó. Anh đồng quan niệm với em là cha mẹ cùng chung một tín ngưỡng thì dễ dàng trong việc giáo dục con cái. Anh long trọng hứa với Mẹ em và em ngay khi Mẹ anh qua đời anh sẽ xin trở lại đạo liền.



Về phần Mẹ Hoàng, vì thương con nên bà thuận cho con mình lấy người khác tôn giáo. Tin tưởng rất mạnh vào sự cầu nguyện và đường lối sống đạo của bà và cách cư xử khôn khéo của con gái, bà hy vọng sẽ hướng dẫn được một linh hồn tìm về với Chúa. Thế là Việt và Hoàng đã thành hôn với nhau theo nghi thức công giáo. Việt đã hứa và ký kết chấp thuận cho các con sinh ra được theo đạo Công Giáo.

Chẳng bao lâu mẹ qua đời, để tỏ ra là người chính ngôn quân tử giữ lời hứa với vợ, Việt đã xin gia nhập vào đạo Công Giáo. Nhưng theo đạo là để làm vừa lòng vợ mà thôi. Việt rất lơ là việc tìm hiểu them giáo lý, Việt chẳng muốn cho ai biết sự cảm nghĩ về tôn giáo và để ý đến ý nghĩa các ngày lễ, kể cả những ngày đại lễ như lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, Việt vẫn để cho vợ được tự do tin tưởng hành đạo và dậy dỗ các con theo đức tin Công Giáo.

Đã hai mươi năm, kể từ ngày thực sự làm quen với nhau nhờ đêm Giáng Sinh, Hoàng muốn nhắc lại chuỗi ngày thơ mộng ấy nên đã cầu nguyện cho chồng cùng đi dự Thánh Lễ đêm Giáng Sinh và tìm hiểu được tình yêu cao cả của Thiên Chúa Cha ban tặng cho nhân loại một "món quà" vô giá là đứa "CON" duy nhất của mình "Hài Đồng Giêsu". Nhưng khi thấy chồng phê bình về ý nghĩa lời hát của mình, làm Hoàng thất vọng và buồn bã.

            Hoàng thường ngâm nga bài thơ mà Việt đã sáng tác tặng Hoàng để nhắc lại cái buổi ban đầu âu yếm ấy:

Chiều hôm ấy gặp Em mừng Sinh Nhật

Chúa giáng trần cứu chuộc chúng nhân sanh

Bước Em đi như cuốn cả hồn anh

Áo dài tím gió trong lành phất phới.

 

Tung bay tựa như bàn tay em với

Mau lên nào kẻo trễ lễ anh ơi!

Hồn lâng lâng anh hớn hở nhìn trời

Cầu lạy Chúa cho người con mới gặp

Hồn rung cảm đôi tim chung nhịp đập

Đêm diệu huyền hợp tấu nhạc uy linh

Đón hồng ân mầu nhiệp Chúa kết tinh

Hai nên một trong tình yêu Thánh thể!

 

Tuy nhiên Hoàng tin tưởng vào lời cầu nguyện, một ngày nào đó Chúa sẽ đánh động lương tâm Việt để tìm ra chân lý. Vì vậy Hoàng cố tìm cách nhắc lại những kỷ niệm đêm Giáng Sinh khi hai người mới gặp nhau để khuyến khích Việt cùng gia đình đi dự Lễ. Nhưng Việt đã từ chối và nói:

- Chuyện vô lý! Tại sao Thiên Chúa lại phải tự hạ mình xuống trần gian làm người? Thật lố lăng, khôi hài..! Nếu quả thật Ngài muốn chỉ cần phán một lời là xong đâu cần phải khổ sở như vậy! Hoàng không muốn bàn cãi và giải thích cho việt, để có thể gây nên sự bất hòa vào ngày đại lễ nên Hoàng và hai con đành thất vọng, ra đi dự Lễ bỏ Việt ở nhà một mình.

Khoảng nửa giờ sau, Việt đang ngồi nhấm nháp ly rượu vang đỏ bên cạnh lò sưởi và xem những trận đô vật trên màn ảnh TV. Không để ý bên ngoài, thời tiết đã thình lình thay đổi, gió càng ngày càng mạnh và trận bão tuyết đang tuôn rơi. Nghe tiếng gió gào, Việt liếc nhìn qua cửa kính chỉ thấy trắng xóa, Việt rót thêm rượu, nhắp một hớp cho nóng bụng và tiếp tục tỉnh bơ xem TV trước lò sưởi ấm áp không cần để ý bên ngoài.

            Thình lình nghe một tiếng động mạnh dường như vật gì rớt đập vào cửa sổ. rồi tiếp theo một tiếng khác nữa, Việt đứng dậy nhìn ra cửa sổ nhưng chỉ có thể thấy xa được khoảng vài bước. Một lát sau tiếng gió đã lặng, tuyết bắt đầu bớt rơi, Việt liền lò mò mạo hiểm ra xem vật gì đã rơi đập vào cửa sổ nhà anh.

Việt giật mình nhìn thấy một đàn thiên nga đang co ro dồn vào với nhau một đống trong thửa vườn bên hông nhà. Dường như chúng đang trên đường di cư về miền Nam để tránh cái lạnh mùa đông ở miền Bắc nhưng chẳng may gặp cơn bão tuyết quá sớm làm lạc đường bay bị thổi bạt xuống khu vườn trống của Việt, không thức ăn, không nơi ẩn náu. Chúng chỉ vỗ cánh, xô nhau mò mẫm bay vòng quanh khu vườn như trong vô vọng..! Việt nghĩ đến tiếng động nghe thấy lúc ở trong nhà, có lẽ đã do một cặp nào đó bị gió thổi mạnh đập vào cửa sổ gây ra.

Cảm thấy thương hại và muốn giúp đỡ chúng, Việt nghĩ ngay đến chuồng ngựa hiện giờ đang trống có thể tạm là nơi đủ ấm áp và an toàn cho chúng nghỉ qua đêm chờ trận bão tuyết tan. Nghĩ vậy, Việt vào mở hết cửa chuồng ngựa rồi đứng xem và chờ đợi, hy vọng rằng đàn thiên nga dại kia nhìn thấy cửa chuồng ngựa mở và trống sẽ lần vào để tránh lạnh. Nhưng đàn thiên nga dại chỉ nhè nhẹ vỗ cánh như run rẩy trong vô vọng và chẳng để ý đến hành động của Việt mở chuồng ngựa. Chúng cũng chẳng thể nhận thức ra việc ấy có nghĩa gì với chúng! Việt vỗ tay ra hiệu cho chúng chú ý nhưng tiếng động làm chúng sợ hãi thêm lại càng di chuyển xa hơn nữa.

            Việt vào nhà lấy một ít bánh mì bẻ nhỏ ra và rắc làm thành một đường nhỏ dẫn đến chuồng ngựa, nhưng đàn thiên nga dại cũng chẳng hiểu gì. Việt cảm thấy chán nản. Anh liền đi vòng ra phía sau và lùa chúng về phía chuồng ngựa. Hành động này làm cho chúng càng sợ sệt hơn và chạy lung tung khắp ngả, ngoại trừ phía chuồng ngựa không một con đến. Việt đã thất vọng không thể làm cho chúng chạy về hướng chuồng ngựa theo ý mình chỉ dẫn để vào ẩn náu trong đó được an toàn và ấm áp hơn. Việt than thở, Tại sao chúng lại không theo tôi? Chúng có nhận biết không, chỉ nơi đây mới có thể cho chúng tránh qua cơn bão tuyết một cách an toàn!? Chúng mày thật ngu, vô ơn chẳng hiểu gì lòng hảo tâm của tao!

Việt suy nghĩ trong giây lát và nhận ra rằng chúng là loài vật không thể nào hiểu theo ý người. Việt lớn tiếng Than: "Chỉ có thể được nếu ta là con thiên nga, mới có thể cứu được chúng!"  Thế rồi nẩy ra ý, Việt vào trong chuồng ngựa bắt một con thiên nga của Việt đang nuôi, ẵm trong tay đi vòng ra phía sau đàn thiên nga dại quay một vòng để cả đàn nhìn thấy rồi thả ra. Con thiên nga của Việt nuôi bay vượt qua đàn thiên nga dại hướng thẳng vào chuồng ngựa. Liền tiếp theo ngay sau đó đàn thiên nga dại bắt chước nhau từng con một nối đuôi bay theo vào trong chuồng ngựa không sót một con.

            Sững sờ và thinh lặng trong giây phút lắng nghe tiếng vọng âm thanh của Việt vừa mới thốt ra cách đó trong mấy phút: "Chỉ có thể được nếu ta là con thiên nga, mới có thể cứu được chúng!" đang quay lại trong óc Việt. Rồi Việt liên tưởng đến câu mà Việt đã nói với vợ trước đó: "Tại sao Thiên Chúa lại phải tự hạ mình xuống trần gian làm người? Thật là lố lăng, khôi hài..!" Nghĩ đến đây, Việt đã thức tỉnh, và hiểu được ý nghĩ thật là sâu xa chí lý. Đó là điều Thiên Chúa đã thực hiện. Chúng ta là những con thiên nga dại, thất lạc, mù quáng, khờ khạo, ngu đần. Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài làm Người như chúng ta để Người có thể dẫn đường và cứu chúng ta "Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử" (Gl 4,4-5). Chúng ta được cứu rỗi khỏi phải chết đời đời.

Việt đã nhận thức ra được đó là ý nghĩa của NGÀY GIÁNG SINH.  Khi trận bão tuyết tan, tâm hồn Việt chìm trong thinh lặng suy tư thiên ý thật là huyền diệu, giờ đây Việt mới đả thông và hiểu thấu được ý nghĩa của GIÁNG SINH là tại sao Chúa Giêsu đã vâng lời tự hạ mình làm người xuống thế gian. Ngài đã mặc lấy xác loài người để dẫn đường cho đồng loại là con người vào chốn an toàn vĩnh cửu. Bao nhiêu năm nghi ngờ và bất tín đã biến đi theo trận bão. Qùy ngay trên bãi tuyết, hai dòng nước mắt đã tuôn trào trên má, lần đầu tiên Việt thực tâm cầu nguyện:

- Lạy Chúa!  Cúi xin Chúa hãy thứ tha cho con, bao nhiêu năm nay con đã lộng ngôn, bất tín, vì kiêu ngạo, chỉ lẽo đẽu đeo chữ TÔI, đâu biết rằng khi thêm huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn, khiến mịt mù, mắt không thấy rõ nên thân bằng xa lánh, xã hội ruồng bỏ, Thiên Chúa đau buốn!

- Lạy Chúa, trận bão đã thức tỉnh con, giờ đây con đã hiểu thấu việc Chúa đã xuống thế mặc xác loài người để cứu chúng con thoát khỏi trận bão... đời đời!

 

Lạy Chúa giờ đây con đã thông hiểu:

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng. như thân phận chúng con, cùng ở với chúng con! Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh, "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?"(Ga 1,46), lời Na-tha-na-en nói khi Phi-líp-phê giới thiệu Đức Giê-su.

Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi ngay tại những làng quê hẻo lánh.

Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết, để mọi người không phân biệt giầu nghèo, sang trọng đều có thể nhận ra Người cũng cùng hình dáng như mình để bay theo Người vào nơi an bình.

Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.

Mùa vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ ra khuôn mặt của Thiên Chúa.” (một phần tổng hớp trong R. Veritas.)

        Con xin ca ngợi và tôn vinh Chúa:

Đa tạ Chúa vì yêu thương, Người giáng thế

Xác hồn này là nguyên thể Chúa ban

Biến thành thơ ca tụng trước thiên nhan

Nơi chính điện thiên đàng không giờ dứt !

     

Louis Hoài Việt – Nguyễn Vĩnh Tường

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

ƠN CHÂU BÁU


ƠN CHÂU BÁU…

 

Gẫm trông máng cỏ Chúa Hài Đồng

Lạnh lẽo, cơ hàn, tiết giá đông

Dẫu phận Con Trời, liều chẳng quản

Khoác thân kẻ thế , chết không sờn

Gánh dầm khổ ải tàn tâm xác

Thương mến nhân gian cạn cõi lòng

Ân phúc vô bờ, khôn tả xiết…

Ai ơi đừng mãi dạ trơ không!

THINH KHÔNG

20-12-2017

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

NGƯỜI LÀM CHỨNG



Ông đã đến một đời làm chứng tá
Cả cuộc đời là hạt lúa thối đi
Mặc thế gian thù địch, mặc khinh khi
Ông đã sống như người ngoài cõi thế!

Cũng xác thịt, lẽ nào là chuyện dễ
Không thích ngon, chẳng biết đẹp, biết vui?
Ngước mắt lên thua kém chẳng ngậm ngùi?
Chẳng một chút gì sao Ngài Tẩy giả!

Cả một đời là ngược xuôi tất tả
Bỏ đời mình làm nhân chứng hăng say
Chỉ che thân ăn tạm sống qua ngày
Để dọn mình làm chứng nhân thành tín

Ai bỏ mình mà không từng bịn rịn!
Chưa từng nghe tiếng oán thán con tim
Nếm nỗi đau cơn hấp hối im lìm
Và dần chết giữa tuổi đời hừng hực

Ông đã đến như đuốc hồng rừng rực
Làm Tiền-hô cho Chúa giữa nhân gian
Rồi lụi khi Dương(*) tỏa khắp mây ngàn  
Người làm chứng(**) tuyệt vời cho nhân thế.

**************************
.          Giu-se Nguyễn Văn Sướng
(*)   Vầng Dương (Chúa Giê-su)
(**) Gio-an Tẩy-giả

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

PHÚ- THÁNH MAT THÊU LÊ VĂN GẪM-Bùi Nghiệp

THÁNH MAT THÊU LÊ VĂN GẪM

          Thánh hiệu Mat thêu,




Danh Lê Văn Gẫm!
Người Gia Định trấn phiên,
Đất Đàng Trong giáo phận.

Làng Long Đại- Gò Công, xuân qúy dậu tấm bé chào đời. (1)
Đất Da Còm – Chợ Quán, hạ đinh mùi chứng nhân viên mãn.(2)

Sách ghi:
Ý bản thân ao ước tu trì!
Ơn Thiên dụng sắp bày linh vận!
Bậc gia thất, một hiền thê dung hạnh đoan trang.
Cung tử nhi, bốn con trẻ khôi ngô anh tuấn.
Sau trước thuận hòa,
Ngoài trong ngoài êm ấm.

Xông pha chốn hải hồ trăm nỗi ba đào,
Len lỏi trường thương mại ngàn cơn gay cấn.
Đã nhiều phen: đạp gió cỡi kình bao dặm thủy hành,
Lại lắm lúc: trương buồm lướt sóng mấy lằn hải phận.

Trong tầm mắt thấu suốt hải trình, đường Nam Dương -Tân Ba – Thái Mã, trông Nam tinh bình tĩnh nhổ neo.
Lòng bàn tay rành rành sông nước, lối Bến Nghé - Bà Rịa - Cần giờ, Ngắm Bắc đẩu vững vàng thân dấn.

Thuở ấy:
Hai triều vương cấm đạo gắt gao,
Sáu thành tỉnh truy lùng gay cấn.
Đức cậy trông nên lèo lái hăng say,
Lòng sốt mến thành nhịp cầu cần mẫn.

Đón đưa linh mục, cập bến sông Nam đội ngư phủ quăng chài.
Chuyên chở thừa sai, lên bờ đất Việt đoàn nông phu khai khẩn.
Nhiều phen trách vụ chu toàn,
Bao lần bề trên tín cẩn.

Ý trên:
Đất có tuần,
Nhân có vận!
Áo vinh quang đến khắc trao ban,
Cành  thiên tuế tới kỳ đáo nhận.

Xuất Sài Gòn trực chỉ Tân Ba!
Hồi Chợ Quán theo đường Cần Thạnh!
Đường đi nắng gió thong dong,
Lối về bão giông áp trấn.

Mới thoát hiểm bày hải tặc tham tàn,
Lại lâm nguy lũ tuần giang kề cận.
Ý tồn vong quyết tuốt kiếm giao tranh?
Vì giới luật đành buông chèo chấp nhận!

Thương thay:
Gót tang bồng vương cảnh ngục tù,
Thân hồ thỉ sa vòng giam cấm.
Nơi ngục thất cùm – gông – cũi thảm thương,
Chốn khảo hình gậy – dùi – roi tra tấn.

Kiên cường thay xương thịt anh hào!
Kính phục lắm tâm hồn can đảm!
Bất khẳng quá khóa, nhận trăm hèo ngạo nghễ dửng dưng.
Tuyên xưng đức tin, ôm thập tự quỳ hôn kính cẩn,

Một năm tù rạc quản ngục động lòng,
Bảy tháng xà lim quân canh phục cảm.
Lính van nài xin quốc pháp gia ân!
Quan làm sớ dâng triều đình giảm án!

Chiến cuộc đại bại Thuận An,
Cơ binh thất thành Đà nẵng.
Giận cá băm thớt, Thiệu Trị lục niên lên án tử châu phê!
Trên búa dưới đe, Gia Định trấn thủ buộc thi hành lệnh trảm!

Than ôi:
Chợ Đũi u sầu!
Sài Gòn buồn thảm!!
Cảm mến tử tù, lính một đội áp giải buồn xo.
Khóc thương anh kiệt, dân thập thành đẩy xô bi phẫn.

Án quan bối rối, vội vàng một hiệp trống chiêng!
Đao phủ tần ngần, run rẩy ba lần cố trảm!

Đầu chiến sĩ rơi lương giáo lệ trào,
Máu hùng anh đổ pháp trường ướt đẫm.
Mấy tộc dòng khâu vá thi hài,
Đoàn tín hữu liệm khâm trọng cẩn.
Sanh ký Biên Hòa!
Mộ phần Chợ Quán!
…………………….
Năm mươi năm sau, Đức Giáo Tông tôn chân phước huy hoàng.
Gần một kỷ tới, Mẹ Giáo Hội phong thánh nhân uy lẫm.

Kính mừng đấng chứng nhân!
Mat thêu Lê Văn Gẫm!

Bùi Nghiệp
 (nguồn BT Hiệp Thông)

(1) và (2) Thánh nhân sinh năm 1813, tử vì đạo ngày 11-05-1847,(năm thứ 6 đời vua Thiệu Trị).


Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

35_ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG (Phúc Âm Thánh Marco)

35_ ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG  (Mc 12, 28-34)


Có người gạn hỏi kính thưa Thầy
Cho biết điều nào trọng nhất đây
Hãy kính Chúa Trời hồn trí tận
Cùng thương nhân thế trái tim đầy
Thưa Ngài, dạ quyết yêu không nghỉ
Đây kỷ,  lòng  hằng mến chẳng lay
Quê thật chẳng còn xa mấy nữa
Kìa ai hãy giữ giới răn này.
THINH KHÔNG


BÀI HỌA:


35_ GIỚI LUẬT CAO TRỌNG


Giới luật nào cao quý hỡi Thầy
Xin Ngài dậy dỗ tỏ tường đây
Hãy thờ Đức Chúa tâm tha thiết
Và trọng tha nhân trí ắp đầy
Hớn hở thân thưa hằng vững chãi
Vui mừng xác quyết chẳng lung lay
Quả thật quê Trời đang đến đích
Trong đám kinh sư có một này

Bùi Nghiệp

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

34_NỘP THUẾ (Phúc Âm Thánh Marco)

34_ NỘP THUẾ  (Mc 12, 13-17)


Biệt phái bàn mưu đặt bẫy ma
Gặp Người, câu hỏi khéo trưng ra
Liệu nên đóng thuế quan quyền đó
Có phải tuân lời Đế quốc kia
Của cải Chúa đây hồi Đức Chúa
Đồng tiền Vua đó trả ông Vua
Lời Ngài phán dạy gây kinh ngạc
Luật sĩ, kinh sư cứng miệng xà !
THINH KHÔNG


BÀI HỌA: 


34_ CỦA ĐÂU TRẢ ĐÓ


Mưu đồ biệt phái lũ ranh ma
Giăng bẫy hại người ướm hỏi ra
Thuế nặng nên chăng đưa bọn đó
Sưu nhiều có phải nộp kho kia
Linh hồn Thiên Chúa hoàn nơi Chúa
Của cải nhà vua trả chốn vua
Kinh hãi ngạc nhiên lời ứng xử
Ngậm môi cứng lưỡi lũ tâm xà

Bùi Nghiệp

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

LẠY MẸ FATIMA


Giục lòng thống hối  hỡi người ơi
Lời Mẹ năm xưa dưới bóng sồi:
Từng chuỗi Kính mừng lui chước quỷ
Trọn đời ơn phúc  cứu hồn ngươi”
Này con hèn yếu say lề tục 
Ôi Mẹ uy linh khiển mặt trời
Xin đốt lòng con siêng nguyện gẫm
Mân côi mừng kính Mẹ muôn đời.
          CÙ MÈ

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

33_KHU VƯỜN SÁT NHÂN (Phúc Âm Thánh Marco)

33_ PHU VƯỜN SÁT NHÂN  (Mc 12, 1-11)


Một bọn tá điền thật bất lương
Tuy thuê nhưng muốn cướp luôn vườn
Gia nhân hỏi bạc, hùa tra gục
Quản lý  thâu tiền, xúm sát thương
Con chủ sai đi đòi chắc đạt
Tà nhân mưu đón giết không nương
Chủ kia chẳng thể nào tha thứ
Tiêu triệt quân này nát thịt xương !
THINH KHÔNG


BÀI HỌA:


33_ XỬ BỌN BẤT LƯƠNG


Thuê công bọn mướn giữ khu vườn
Trở thói gian tà mất thiện lương
Đầy tớ vây lùng đâm táng mạng
Gia nhân đón đuổi đánh lòi xương
Con trai chủ đấy- trừ không bỏ
Thừa tự người đây- giết chẳng nương
Thịnh nộ ông về tiêu diệt hết
Không còn tha thứ dứt tình thương

Bùi Nghiệp

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

32_ ĐỨC TIN CẦU NGUYỆN (Phúc Âm Thánh Marco)

32_ ĐỨC TIN CẦU NGUYỆN   (Mc 11, 23-26)


Nếu dạ thực tin cậy Chúa Trời
Anh em có thể chỉ dùng lời
Khiến non chuyển chỗ non dời chỗ
Bảo núi  băng khơi, núi vượt khơi
Hễ nguyện là  lời xin được đáp
Cứ cầu ắt ý nguyện thành thôi
Làm hòa, tha thứ cho huynh đệ
Sẽ nhận muôn ơn phước của Người.
THINH KHÔNG


BÀI HỌA:


32_ NIỀM TIN KIÊN ĐỊNH


Niềm tin kiên định chắc nơi Trời
Vững cậy siêu nhiên giúp một lời
Trợ sức kinh thiên nơi núi thẳm
Ban quyền động địa chốn ngàn khơi
Có cầu ắt được thêm nhiều nữa
Không khấn sao thành hết sạch thôi
Tha thứ cho nhau điều trước nhất
Buông ngay oán hận quẩn trong người

Bùi Nghiệp

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

31_ ĐUỔI KẺ BÁN BUÔN (Phúc Âm Thánh Marco)

31_ ĐUỔI KẺ BUÔN BÁN  (Mc 11, 15-19)


Dạ chẳng thể làm ngơ
Vung roi, miệng hét hò
Lồng chim, Người hất đuổi
Quầy bạc, Chúa tung xô
Làm uế nơi  tôn kính
Gây ô chốn phụng thờ
Dọn tinh tuyền Thánh Điện
Răn dạy kẻ chai trơ.
THINH KHÔNG


BÀI HỌA:


31_ VÀO ĐỀN THÁNH


Đền thiêng chốn kính thờ
Buôn bán mặt dầy trơ
Đổi bạc tay vời vẫy
Buôn chim miệng hát hò
Ngài vào xua vứt ném
Chúa đến đuổi quăng xô
Thánh điện thành hang ổ
Thanh trừng chẳng để ngơ

Bùi Nghiệp

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

30_NGƯỜI LÀM ĐẦU (Phúc Âm Thánh Marco)

30_ NGƯỜI LÀM ĐẦU (Mc 10, 41-45)


Thủ lãnh áp quyền hành
Thói lề của thế gian
Anh em đừng học bước
Huynh đệ chớ theo chân
Đây kẻ làm đầy tớ
Chính người đứng trưởng tràng
Đến  là hòng phục vụ
Hiến mạng chẳng vì danh.
THINH KHÔNG

BÀI HỌA:

BÀI HỌC CHỈ HUY


Mong chi chút lợi danh
Ảo não rối can tràng
Thấp đón lên trên chóp
Cao mời xuống dưới chân
Uy quyền đường thế thái
Cai trị lối trần gian
Nước Chúa đâu như vậy
Tiên phong phải thực hành

Bùi Nghiệp

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

29_HỨA BAN PHẦN THƯỞNG (Phúc Âm Thánh Marco)

29_ HỨA BAN PHẦN THƯỞNG  (Mc 10, 28-31)


Chúng con bỏ hết để theo Thầy
Chẳng tiếc điều gì Chúa có hay
Bao kẻ hy sinh đều hưởng đủ
Những ai tận hiến thảy đền đầy
Đời này đã trả trăm điều tốt
Mai hậu  còn bồi vạn sự ngay
Đứng chót rồi ra thành xếp nhất
Ngồi trên lại phải xuống nơi đày!
THINH KHÔNG

BÀI HỌA:

29_ THƯỞNG CÔNG


Cả chúng con đây đến với Thầy
Họ hàng tài sản Chúa từng hay
Buông rơi hiện tại vài thưng đủ
Hứng nhận tương lai chục đấu đầy
Trần thế hy sinh nhiều ít sự
Thiên đàng lãnh thưởng bội phần ngay
Dưới cùng sẽ được mời trên hết
Chót vót thì lôi xuống ngục đày

Bùi Nghiệp

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

THƯ CHIA SẺ CỦA LM. TRĂNG THẬP TỰ

THƯ CHIA SẺ CỦA LM TRĂNG THẬP TỰ

Xin chào thân ái các bạn,
Chiều 28-6 vừa qua có một món quà mừng bổn mạng, tuy giản dị nhưng rất ý nghĩa với tôi: 500.000 đồng VN, vừa ủng hộ vừa đặt mua 02 quyển các số tuyển tập Mục Đồng 2017. Nó lý thú lắm.
Các bạn biết không, tuyển tập Mục Đồng số ra mắt đã phát hành  ngày 24-04-2017, đã được gửi tặng đến quí Đức Cha, quí Cha đặc trách mục vụ Văn hóa của 26 giáo phận. Ba tuần sau, những thùng sách đựng các gói nhỏ ghi rõ địa chỉ từng giáo xứ ở Việt Nam với tên người nhận là “ban phụ trách Giới trẻ giáo xứ” bắt đầu được gửi bằng xe đò hoặc xe tải đến Cha phụ trách Ban Văn hóa các Tòa giám mục. Những gói sách cho các chủng viện và dòng tu cũng được gửi kèm (Riêng các dòng tu trên địa bàn Tổng giáo phận Sài Gòn được gửi thẳng qua đường bưu điện).
Nhờ hai vị hảo tâm giúp đỡ tổng cộng 170 triệu đồng VN, chúng tôi đã in được 20.000 quyển và số lượng tặng để giới thiệu trên đây lên đến 17.300 quyển.
Ờ, mà tại sao lại có Tuyển tập Mục Đồng chứ?
Mười năm trước đây tôi bị bệnh nặng nhưng rồi Chúa đã thương chữa lành. Tôi sống tại nhà hưu dưỡng Giáo phận Qui Nhơn và được giao trách nhiệm lo về văn hóa trong Giáo phận. Do thấy rằng trong Giáo hội Việt Nam có một lỗ hổng lớn về văn học nghệ thuật, tôi tập trung năng lực vào việc tìm kiếm và qui tụ tài năng văn thơ cho Giáo hội.
5 quyển Có Một Vườn Thơ Đạo đã tập hợp được 187 tác giả thơ, trong đó có khoảng 100 người còn sức làm việc được và số người còn sáng tác đều có lẽ khoảng 60.
Với cuộc thi truyện ngắn Giải Viết Văn Đường Trường (2012-2016) sau 4 năm đã có 55 tác giả đạt giải. Năm nay, hy vọng sẽ có thêm khoảng 10 tác giả mới. Cuộc thi sang năm, sẽ là lần cuối. Đàng khác, do tuổi tác (hơn 70 tuổi) và sức khỏe kém, tôi đã xin Đức Giám mục Giáo phận để sẽ chấm dứt lo việc mục vụ Văn hóa vào cuối năm 2018.
Một số độc giả và tác giả đã băn khoăn nêu lên câu hỏi đáng suy nghĩ: Giải Viết Văn Đường Trường đã tạo được sự hứng khởi và bắc nhịp cầu gặp gỡ giao lưu cho một số khá đáng kể tác giả trẻ. Nhưng niềm hứng khởi và nhịp cầu gặp gỡ này sẽ ra sao khi Giải thưởng này kết thúc?
Anh em trong ban Văn hóa đề nghị rằng, trước khi nghỉ việc, tôi nên cố gắng xây dựng một tập san văn thơ Công giáo làm không gian kết nối các tác giả và giúp cộng đồng Dân Chúa phát huy nền văn học Công giáo, đồng thời cũng là một phương tiện loan Tin mừng cho người trí thức ngoài Công giáo thông qua những bài thơ và truyện ngắn Công giáo có giá trị nghệ thuật. Tôi đã xin phép Đức Giám mục, ngài đã chúc lành và tập san đã ra đời.
Tập san này được thực hiện dưới hình thức những Tuyển tập Văn thơ, mang tên “Mục Đồng”, mỗi năm ấn hành 4 kỳ, mỗi tập khoảng 120 trang khổ 16 x 24 cm, giá 25.000đ một tập (kể cả cước phí). Số ra mắt của tập san đã phát hành ngày 24-4-2017. Bạn có thể xem bản PDF số ra mắt tại www.tapsanmucdong.net; www.gpquinhon.org
Chúng tôi cũng đã gửi lên mạng lời mời gọi đăng ký mua báo. Sáng 29-6-2017, chúng tôi đã tổng kết và con số khắp nơi đăng ký quả là khá bất ngờ cho mọi người:
- 01 chủng sinh Hưng Hóa đang tu học tại Đại chủng viện Huế có truyện đăng ở quyển 1, được nhuận bút 300.000 đồng, đã xin nhận 20 quyển báo số 1 thay vì nhận tiền.
- 01 cộng đoàn nữ tu tại Qui Nhơn ủng hộ 500.000 đồng để mua 02 bản các tuyển tập của năm 2017 (tôi vừa nói trên kia).
- 01 linh mục phụ trách một dòng mới đến Việt Nam, tại đường Âu Dương Lân quận 8 Tp HCM đặt mua 02 bản các tuyển tập của năm 2017.
Từ cả ba Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và Sài Gòn có đúng 03 đơn đặt hàng với 24 quyển báo. Tôi chỉ tính tới hết ngày 29-6 thôi, ai gửi tới vào ngày 30-6 trở đi không kể đâu nhé!
Chúng tôi bỗng chốc đứng trước một câu hỏi hết sức cụ thể: Có nên ấn hành tiếp tập 2 chăng (tập 2 đã được gửi đi xin giấy phép xuất bản mười ngày nay)? Sẽ in bao nhiêu bản, gửi đi đâu và gửi cho ai bây giờ?
Rồi tiếp theo là một câu hỏi khác khá mơ hồ nhưng đầy trăn trở: Nếu sự quan tâm của các thành phần Dân Chúa khắp nơi đối với Văn hóa Công giáo đã cạn kiệt tới mức ấy thì nền Văn hóa này đang đi về đâu? Tương lai công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội Việt Nam sẽ đi về đâu?
Thế nhưng cùng lúc lại có một sự kiện ngược chiều đầy lạc quan. Số lượng tác giả khắp nơi gửi bài tham gia tuyển tập Mục Đồng số 3 và số 4 ngày càng đông và số bài có giá trị nghệ thuật ngày càng nhiều. Rõ ràng là tờ tập san bắt đầu có tác dụng gợi hứng cho các bạn trẻ cố gắng viết bài, rèn luyện ngòi bút và đủ tự tin để gửi bài đăng báo. Như thế tờ tập san hứa hẹn sẽ là nơi quy tụ hấp dẫn cho các tài năng văn chương trẻ. Do đó, vì tương lai của văn học nghệ thuật Công giáo, chúng tôi cần tìm mọi cách để duy trì tờ tập san, không thể để nó chết yểu.
Đại chúng Dân Chúa sở dĩ lãnh đạm với công việc mục vụ Văn hóa chỉ là do không ai nói cho họ hiểu tầm quan trọng của văn học nghệ thuật trong việc loan báo và bồi dưỡng đức tin. Nếu các linh mục và tu sĩ quan tâm hơn và giải thích cho giáo dân biết, chắc chắn mọi sự sẽ khác hẳn. Người giáo dân Việt Nam rất quảng đại. Họ đã đóng góp những số tiền lớn để xây dựng bao nhiêu nhà thờ và cơ sở vật chất, nay nếu được giải thích rõ, họ sẽ chẳng tiếc gì mà không hy sinh đôi chút để góp phần xây dựng cho Giáo hội Việt Nam có được một đền thờ tinh thần, một nền văn học nghệ thuật có sức loan báo Tin mừng một cách sâu rộng hơn.
Chúng tôi không tìm những đại ân nhân ủng hộ bao cấp hay bù lỗ cho Ban tổ chức tập san. Chúng tôi chỉ mong các phụ huynh đăng ký mua ấn phẩm Mục Đồng cho con em. Bên cạnh các gia đình là các đoàn thể, dòng tu, chủng viện cũng nên mua báo cho các thành viên của mình có thêm một phương tiện trau dồi tiếng mẹ đẻ; và thêm nữa, còn có các lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng, các nhóm loan báo Tin mừng có thể mua báo để giới thiệu Chúa Giêsu cho những người đang tìm hiểu và các cảm tình viên của Hội thánh… Riêng những giáo xứ hẻo lánh, bà con giáo dân quá khó khăn chật vật, mong sao sớm có những anh chị em khá giả đăng ký mua cho họ một ít quyển tập san này. Ngoài ra, vì chúng con thiếu nhân sự, ước mong sao quý độc giả sẽ đăng ký theo giáo xứ để việc gửi báo được dễ hơn và bảo đảm hơn. Chao ôi, chỉ cần 1% địa chỉ liệt kê trên đây mua báo thì đã đủ cho tờ tập san có thể tồn tại và phát triển rồi.
Thế đấy, tôi nghĩ rằng có thể bạn khá quan tâm đến chuyện này. Nếu bạn quan tâm thì xin chính bạn hãy hy sinh một chút đồng thời vận động giúp chúng tôi qua email và Facebook nhé.
Xin cám ơn bạn thật nhiều.
Email của Cha Trăng Thập Tự:

gopnhattho@gmail.com

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

28_NGƯỜI GIÀU CÓ (Phúc Âm Thánh Marco)

28_NGƯỜI GIÀU CÓ  (Mc 10, 23-27)_


Nghe rõ lời Ta chớ lãng xao
Hỡi ai thừa mứa của sang giàu
Lạc đà chui lỗ kim trơn tọt
Phú hộ về Quê phúc khó sao
Trí óc loài người  luôn giới hạn
Quyền năng Thiên Chúa  chẳng biên rào
Người làm những việc vô cùng lắm
Tin tưởng mà nghe mới được vào.
THINH KHÔNG

BÀI HỌA:

28_NGƯỜI GIẦU TIẾC CỦA


Bình tĩnh nghe này chớ xuyến xao
Hỡi người sang trọng quý kim giầu
Điều răn thực hiện đà chăm chỉ
Giới luật thi hành lại sít sao
Chân lý mua vô tìm bến đậu
Gia cư bán hết bỏ vây rào 
Phú ông tiếc rẻ bèn quay gót
Lắm của Thiên cung khó nhập vào

Bùi Nghiệp

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

27_ HÃY NÊN NHƯ TRẺ THƠ (Phúc Âm Thánh Marco(

 27_  HÃY NÊN NHƯ TRẺ THƠ   (Mc 10, 13-16)


Các cháu đến cùng Ta
Đừng xua chúng tránh xa
Nên như em nhỏ bé 
Hãy giống trẻ hiền hòa
Để được vào Quê Phúc
Mới hòng hưởng Nước Cha
Thiên đàng là của chúng
Trinh trắng nụ mầm hoa.
THINH KHÔNG

BÀI HỌA:

27_ THƠ NGÂY


 Bé hiền đến với ta
Vời vẫy tự đằng xa
Trìu mến tung tăng múa
Yêu thương ríu rít hòa
Nước Trời đây đất trẻ
Thiên quốc chính quê Cha
Đón nhận và ôm ấp
Ươm chồi nảy nụ hoa

Bùi Nghiệp

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

THÁNH PHAO LÔ VŨ VĂN ĐỔNG(PHÚ)

        (Kính ngày 03-06)

Thánh hiệu Phao Lô;
Danh Vũ Văn Đổng.
Giáo dân anh dũng;
Thủ bạ can tràng.
Ký truyền :
Nhâm Tuất kỷ Gia Long khởi nguyên , nơi quê quán Vực Đường , con trẻ  chào đời mang phận nhân gian;(*)
Trùng giáp niên Tự Đức thập ngũ , chốn pháp trường Hưng Yên, Chứng nhân tử đạo nhập hàng Chư Thánh.(**)
Người Tín hữu mẫu gương , kinh nguyện nhà thờ ngày ngày sốt sắng;
Bác Nông phu chân chất , cấy cầy  đồng ruộng buổi buổi chuyên chăm.
Ngay tâm ái phụ , dưỡng dục con cái đạo hạnh hiền ngoan;
Xứng dạ hiền phu,mến yêu bạn đời ân cần mẫu mực.
Chuyện nước chuyện làng,  toàn tâm  gắng sức;
Việc khu việc họ , Nhiệt huyết lo toan.
Quản  sổ thư  họ đạo chu toàn;
Giữ  tài sản đạo tràng  nghiêm cẩn.

Thuở Nguyễn Triều bách hại Đạo Trời hung hãn;
Thời Tự Đức truy lùng  dân Chúa dã man.
Quan quân lửa đuốc sáng choang  , hùng hùng hổ hổ , vây bủa xóm làng;
Lính  tráng giáo gươm tua tủa  , láo láo liên liên , truy lùng đạo hữu.
Đặt Thánh giá  chính đường ngay cửa;
Truyền giáo dân  quá bước dày chân.
Ông Thủ bạ mạnh lời  , Tuyên bố bất tuân;
Vị Lão niên vang tiếng , hùng xưng chẳng đạp.
Tức thì  thân già nặng xiềng gông , quan quân giải áp;
Ngay khắc xác ốm no đòn vọt , lính thú lôi đi .
Về phủ huyện Ân Thi;
Lên nhà lao Phố Hiến.
Quan ra sức tiền bạc dụ lời , ban thưởng cho về nhà nguyên vẹn;
Cụ kiên gan ngôn từ khẳng tiếng  , hy sinh , quyết giữ đạo suốt đời  .
Ông nằm lăn  , lạy dấu thánh Chúa Trời;
Lính đóng cũi , khênh người qua Thập giá.
Chốn lao tù , ngày đêm xiềng khóa;
Nơi  khổ ngục  , canh khắc cầu kinh.
Đòn vọt   tới tấp băm bổ  tận tình;
Máu đào  đầm đìa lổ loan thắm   đỏ.
Gần năm ròng thân khổ;
Bao tháng lẻ xác đầy .
Khuyến dụ mãi không lay;
Hăm he hoài vẫn rứa.

Quy chiếu lệnh Vua:
Sắt nung trên lửa;
Chữ thích hằn da.
Lũ quan quân gây ác sự  quỷ ma;
Người giáo hữu chịu khổ hình man rợ.
Phía má  này, nung mấy từ Làng quê bản sở;
Bên mặt nọ , thích hai chữ Tả đạo thị khinh.
Chẳng chịu lẽ , Lão nhân   tỏ chí  cưỡng hình;
Không đồng lòng  , Thủ bạ  tự tay xóa mộc.
Tức cùng căm , Quan lệnh truyền cấm cốc;
Kiệt lẫn đói , Cụ vẫn vững lòng son.
Lính thương tình lén giúp lưng cơm;
Người bác ái lại nhường anh bạn.
Bụng rỗng không,  nhiều ngày đâm quặn;
Áo tơi tả,  dăm mảnh nhai thay.
Quan  lệnh bắt lính  thích tự lai;
Người   xin để tù  xâm chữ giúp.
Chẳng xâm từ “TẢ NHÂN” bỉ nhục;
Lại thích dòng “CHÍNH ĐẠO” hiên ngang.
Khiến lính canh hết mực bàng hoàng;
Làm Quan thượng vô cùng tức giận.
Án tử tức thì phê chuẩn;
Tội hình ngay khắc duyệt xong.
Nghe tin báo , Người vui sướng cất nguyện trí tạ ơn;
Được ơn cao, cụ bình an liền dọn hồn đón khổ.

Đường chứng đức tin:
Chân đến pháp trường, vị Lão niên vang lời kinh dâng phó;
Mắt nhìn đao phủ , người Con Chúa  vững bước  tế hy sinh.
Một phút hướng Cõi Cao Xanh  ;
Ba lần kêu Tên Cực Thánh.
Lý hình vút lưỡi đao hành án;
Nhân chứng  lìa thủ cấp thăng thiên.
Nhận Nguyệt Quế từ  Đấng Chúa Chiên;
Truyền Đức Tin chođời hậu thế.
Người Tôi trung oai phong , kiên thệ;
Đấng Tử Đạo lẫm  liệt  , hùng anh.
Năm Tân Mão (1951), Cha Pi Ô tôn kính Bậc Chân Phước rạng danh;
Niên Mậu Thìn (1988), Đức Giang Bảo   vinh phong Đấng Thánh nhân vinh Hiển .
Hậu thế đoàn con khấn nguyện;
Tiền nhân Dũng Thánh hộ phù.
Giúp giáo hữu thoát bẫy ba thù;
Trợ chiên lành qua cơn thử thách.

                  CÙ MÈ 
                              03-01-2013

(*) Thánh Phao lô Đổng sinh năm 1802 (Nhâm Tuất), năm Gia Long thứ nhất.
Vực Đường là một họ đạo thuộc xứ Cao Xá,huyện Ân Thi, Hưng Yên vào thời đó .Đến năm 1915 thì là họ lẻ lớn nhất của xứ Đan Chàng (Vân), mãi đến năm 1944,Đức Giám Mục Thái Bình  Santos Ubierna Ninh đã nâng họ Vực Đường thành giáo xứ Lê Xá.

(**) Thánh Phao Lô Đổng tử đạo ngày 03-06-1862 (Nhâm Tuất, năm Tự Đức thứ 15(.
   Ngày 29-04-1951 được Đức Giáo Hoàng Pio XII tôn phong Chân Phước
   Ngày 19-06-1988 được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II vinh phong Hiển Thánh.